Với con số lên đến hàng tỷ người dùng hàng ngày, không có gì đáng ngạc nhiên khi các chatbot của Facebook đang “quyến rũ” thế giới công nghệ. Tuy nhiên, đâu mới là cách tốt nhất để kết hợp chatbot vào danh sách các chiến lược tiếp thị cho mỗi doanh nghiệp?
10 bí quyết marketing thông qua chatbot trong Facebook messenger dưới đây sẽ giúp bạn có những bước đầu tiên với xu hướng mới này.
1 – Tùy chỉnh chatbot theo phản hồi khách hàng
Sử dụng trình tạo chatbot cho phép bạn dễ dàng thay đổi và cập nhật bot (các “tác nhân hội thoại” – dialog agents).
Nếu bạn muốn tiếp cận thông tin phản hồi từ khách hàng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu ra mắt ứng dụng bot, hãy kết hợp phản hồi này vào cuối mỗi cuộc trò chuyện. Điều này nhằm tạo cơ hội để khách hàng được tự do lựa chọn về việc họ có muốn tham gia hay không.
Tiếp đến, sử dụng thông tin phản hồi đó để tạo ra các thông báo thông minh và mang tính cá nhân hóa hơn nữa.
2 – Duy trì nguồn khách hàng hiện tại
Quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn trên các kênh phức hợp với khách hàng cũ sẽ dễ dàng và rút ngắn thời gian hơn nhiều so với việc xây dựng một lượng khách hàng hoàn toàn mới. Bằng việc sử dụng các nền tảng trực tuyến như Facebook, bạn sẽ có thể tự động gửi thông báo và cập nhật thông qua bot tới các khách hàng hiện tại.
3 – Tập trung phát triển các tương tác ý nghĩa nhất với khách hàng
Các chatbot hiệu quả nhất sẽ giúp khách hàng gắn kết với thương hiệu từ những nhu cầu thực tế của họ. Hãy sàng lọc những chương trình sáng giá nhất nơi thu hút được nhiều loại câu hỏi từ thông thường cho đến quan trọng. Cách làm này không chỉ giúp bạn phục vụ khách hàng tốt hơn mà còn mang lại nhiều dữ liệu thông tin đầy giá trị.
4 – Quảng cáo chatbot đúng nơi đúng chỗ
Là người mới khởi nghiệp, có thể bạn chưa đạt được hàng triệu người theo dõi. Nếu chỉ quảng cáo một cách đơn thuần các bot trên Facebook, việc đó sẽ chẳng khác gì mò kim đáy bể. Vì vậy hãy quảng bá chatbot Messenger của doanh nghiệp ở tất cả những nơi “độc, lạ mà cụ thể”.
Bên cạnh việc tìm hiểu tất cả các kênh quảng cáo tiềm năng, hãy phân tích xem kênh quảng cáo nào có nhiều người truy cập nhất và điều gì sẽ thu hút sự chú ý của họ ở kênh này.
5 – Giới thiệu chatbot đến khách hàng
Trong các quảng cáo về chatbot, bạn cần trả lời đủ những câu hỏi sau:
– Tên chatbot của doanh nghiệp bạn là gì?
– Mục đích tạo ra chatbot để làm gì?
– Thời gian chatbot làm việc?
– Các chức năng của chatbot là gì?
– Chatbot có những khả năng nào?
– Vào đâu để trò chuyện cùng chatbot?
6 – Chú trọng thu hút khách hàng
Do chatbot giao tiếp với khách hàng giống như cách người tiêu dùng giao tiếp với bạn bè nên điều bạn cần ở đây chính là kinh nghiệm đối thoại.Bên cạnh duy trì mức độ trò chuyện, đừng quên sử dụng các biểu tượng, chuyện cười…nhằm tạo ra trải nghiệm ngày càng hữu ích và thú vị cho khách hàng.
7 – Cá nhân hoá cuộc trò chuyện
Tới nay, cá nhân hóa chatbot vẫn luôn là một thách thức thực sự. Bạn có thể lập trình chatbot để nhận dạng tên người từ hồ sơ trên Facebook, nhưng không dễ để điều khiển nó biết được khi nào nên nói chuyện và khi nào nên im lặng.
Bạn cần chắc chắn rằng thời điểm thông báo thông tin về sản phẩm, dịch vụ của bạn trên chatbot là phù hợp với khách hàng. Ngoài ra, bot cũng cần được lập trình để nhận biết khi nào khách hàng đặt câu hỏi. Với việc lập trình bot đúng cách, bạn sẽ giúp doanh nghiệp cung cấp những thông tin cụ thể, phù hợp nhất tới từng khách hàng.
8 – Giới hạn tùy chọn do chatbot cung cấp
Bot của bạn không nhất thiết phải đề cập đến chủng loại màu sắc của mọi sản phẩm mà doanh nghiệp bạn đang có. Nên hạn chế số lượng các tùy chọn mà chatbot cung cấp cho khách hàng để tối đa hóa tương tác và/hoặc bán hàng. Lưu ý vài dòng ngắn gọn dưới đây để tránh chatbot gây vướng mắc cho trải nghiệm khách hàng:
– Sử dụng các nút bấm
– Sử dụng chuyển tiếp tự động thay vì để khách hàng tự làm nếu có thể
– Giới hạn tối đa cho bất kỳ lựa chọn nào là 3 lựa chọn
9 – Kết hợp trí thông minh nhân tạo với trí thông minh con người
Đừng mong đợi bot của bạn trở nên hoàn hảo. Dù có hàng tá công nghệ tân tiến hiện nay, nhưng việc bot mắc lỗi hoặc không có câu trả lời cho một số câu hỏi nhất định là điều khó tránh khỏi. Luôn cần có một đội ngũ dự bị để sẵn sàng tiếp nhận những sai sót này và giúp trải nghiệm khách hàng được suôn sẻ.
10 – Sử dụng mức bảo mật cao nhất
Sẽ có lúc chatbot của bạn phải xử lý các thông tin có tính giá trị và nhạy cảm. Khách hàng tin tưởng và mong rằng bạn sẽ đảm bảo an toàn cho những tin tức ấy. Bởi vậy, phải có cơ chế xác thực và bảo mật sẽ khiến khách hàng của bạn có thể hoàn toàn yên tâm.